Huong_dan_to_chuc_cham_soc_giao_duc_tre_trong_dieu_kien_ung_pho_voi_dich_benh_COVID-19

Lượt xem:


UBND HUYỆN KRÔNG PẮC                                       CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                                           Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: /PGDĐT V/v Hướng dẫn tổ chức chăm sóc,
giáo dục trẻ trong điều kiện ứng phó
với dịch bệnh COVID-19 đối với giáo dục mầm non                                  Krông Pắc, ngày tháng 8 năm 2021

Kính gửi: Hiệu trưởng các trường MN, MG trên địa bàn huyện;
Thực hiện công văn số1284/SGDĐT-GDMN ngày 31/8/2021 của Sở Giáo dục Đào tạo về việc tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đối với giáo dục mầm non. Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường MN, MG trên địa bàn huyện triển khai một số nội dung cụ thể như sau:

1. Huyện Krông Pắc đang thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15, các trường MN, MG, các cơ sở độc lập tư thục thực hiện cho trẻ nghỉ học ở nhà.

2. Xây dựng kế hoạch chăm sóc, giáo dục và tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh COVID-19 Các trường học chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non(GDMN) của nhà trường, đảm bảo các yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương, đảm bảo các nội dung, cụ thể như sau:

2.1 Không tổ chức dạy học trực tuyến; nhà trường chủ động phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ/người chăm sóc trẻ (sau đây gọi chung là phụ huynh) nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà bằng các kênh liên hệ phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

– Tiến hành khảo sát để nắm thông tin về điều kiện của phụ huynh trong nhà trường, làm cơ sở phân loại và lựa chọn các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp với từng phụ huynh.

– Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ hoạt động vui chơi, học tập tại nhà.

– Các nhà trường cung cấp cho phụ huynh đường dẫn để xem, đọc tài liệu/video Cẩm nang hướng dẫn phụ huynh về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non khi trẻ ở nhà trên Cổng Thông tin điện tử Bộ GDĐT theo đường dẫn truy cập: https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-mam-non/Pages/Default.aspx?ItemID=7327 – Hướng dẫn phụ huynh sử dụng cuốn “Cẩm nang hỗ trợ cha mẹ trẻ em nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe” và “Cẩm nang cùng con phát triển toàn diện” do Bộ GDĐT ban hành năm 2019.

– Phân công giáo viên phụ trách nhóm lớp hình thành các nhóm zalo, messenger, viber…giữa giáo viên và phụ huynh để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà cũng như nắm bắt tình hình sức khỏe của trẻ. Giáo viên có thể tổ chức quay video hướng dẫn, tổ chức hoạt động học tập, vui chơi cho trẻ, sau đó chia sẻ video cho phụ huynh qua các nhóm zalo, messenger, viber…để phụ huynh kết hợp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà(Lưu ý video phải được nhà trường phê duyệt).

– Nhà trường không để giáo viên tự ý sử dụng những video khi chưa được nhà trường phê duyệt để chuyển cho phụ huynh.

– Phân công giáo viên phụ trách nhóm lớp tổ chức xây dựng các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến dùng chung để truyền tải đến phụ huynh thông qua zalo, messenger, viber… cho trẻ tiếp cận.

– Chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên lựa chọn và hướng dẫn phụ huynh tổ chức những hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà để hướng tới đạt được mục tiêu, kết quả mong đợi cuối độ tuổi theo Chương trình GDMN; các nội dung, hình thức hoạt động cho trẻ em cần đảm bảo an toàn và đáp ứng yêu cầu về giáo dục.

– Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi: lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục trẻ ở nhà phù hợp với điều kiện gia đình, nhằm chuẩn bị tốt tâm thế, kỹ năng cần thiết cho trẻ sẵn sàng vào học lớp 1; cung cấp và hướng dẫn phụ huynh sử dụng bộ học liệu Bé vào lớp một nhằm hỗ trợ trẻ trong thời gian trẻ ở nhà.

– Đối với các vùng điều kiện còn khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin, nhà trường phối hợp với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể tại địa phương để tuyên truyền đến phụ huynh thực hiện chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ được an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ khi trẻ ở nhà.
2.2 Khi trẻ em đến trường trở lại
– Chủ động phối hợp chặt chẽ với trạm Y tế tại địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
– Thực hiện tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn toàn bộ trường lớp, các trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trước khi đón trẻ đến trường; Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện như: khẩu trang, găng tay y tế, nhiệt kế điện tử, nước uống và các đồ dùng, trang thiết bị trong nhóm lớp như bồn rửa tay, dung dịch sát khuẩn, xà phòng, nước tẩy, nước lau sàn… phục vụ cho giáo viên và trẻ; Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị, đồ dùng phục vụ cho công tác y tế theo quy định tại phòng y tế của trường.

– Các nhà trường điều chỉnh kế hoạch năm học và tổ chức thực hiện chương trình theo các kịch bản phù hợp; lựa chọn nội dung giáo dục cần thiết, phù hợp với thời gian còn lại của năm học, hướng dẫn giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ em trong lớp, giúp trẻ em đạt mục tiêu, kết quả mong đợi cuối độ tuổi theo Chương trình GDMN.

– Đối với trẻ em mẫu giáo 5 tuổi: Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GDĐT tại tài liệu Hướng dẫn giáo viên mầm non chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1, cơ sở GDMN thống nhất, hướng dẫn giáo viên lựa chọn những nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết, ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục giúp trẻ em đạt những kết quả mong đợi để chuẩn bị sẵn sàng vào học lớp 1; đảm bảo trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình GDMN khi kết thúc năm học.

– Thực hiện phân công cụ thể đối với từng giáo viên, nhân viên chịu trách nhiệm đón trả trẻ và kiểm tra thân nhiệt của trẻ tại cổng trường hàng ngày, không để cho các phụ huynh và những người không có nhiệm vụ đi vào trong khu vực của nhà trường. Đồng thời thực hiện tuyên truyền và thống nhất với phụ huynh về thời gian đón và trả trẻ đối với từng khối lớp để đảm bảo giãn cách và không bị ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường.

– Tiếp tục thực hiện rà soát việc khai báo y tế phòng, chống dịch Covid-19 của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và trẻ; yêu cầu những đối tượng cần phải cách ly thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Ngành Y tế.

– Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh, cộng đồng để chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất.
3. Triển khai thực hiện
– Xây dựng phương án, lựa chọn các hình thức tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhóm, lớp. Chủ động báo cáo với phòng Giáo dục Đào tạo về kế hoạch, phương án thực hiện cụ thể của đơn vị; tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp kịp thời của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể; quan tâm đặc biệt đến trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

– Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và phối hợp với phụ huynh trong tổ chức thực hiện kế hoạch của nhà trường.

– Xây dựng kho tài liệu, học liệu dùng chung, các công cụ hỗ trợ (Phần mềm tương tác, tài liệu trực tuyến, ngân hàng video,…) phù hợp với điều kiện của trường, phù hợp với bối cảnh địa phương và hướng dẫn, giới thiệu các nguồn, kênh thông tin, tài liệu để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Lưu ý: Các nguồn tài liệu, học liệu xây dựng cần đảm bảo yêu cầu về giáo dục. Đặc biệt tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên xây dựng các video hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà hướng đến nội dung hướng dẫn về cách thức để phụ huynh có thể phối hợp, tham gia học và chơi cùng con với các nguồn học liệu, đồ dùng đồ chơi, nguyên vật liệu sẵn có, dễ kiếm, dễ làm, phù hợp và an toàn đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ thông qua phụ huynh trong bối cảnh hiện nay. Trên đây là hướng dẫn tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đối với giáo dục mầm non đề nghị các trường triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị liên hệ về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện (Cô Dương Thuỳ Nhạn) để được phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận:                                                                                                       KT.TRƯỞNG PHÒNG
– Như trên (để thực hiện);                                                                                    PHÓ TRƯỞNG PHÒNG
– Lãnh đạo phòng PGDĐT (đẻ chỉ đạo);
– Lưu VT, MN.
Nguyễn Cường